Monday, September 27, 2010

GIẤC MƠ RẮN


Hồi này, tôi hay mơ, những giấc mơ bất bình thường.
Ngày nhỏ, mẹ hay tìm bắt nhện nướng cho ăn. Những con nhện cái béo tròn, xấu xí nhưng dậy mùi thơm trên bếp lửa. Tôi không ăn. Mẹ dỗ: - Thuốc để chữa bệnh đấy, ăn đi con.
Tôi mắc bệnh đái dầm, lên 6 tuổi vẫn còn. Trong cơn mơ, tôi thấy rất buồn tè. Tôi lần ra bụi chuối đầu hồi, cong người xả. Chợt thấy lành lạnh ở lưng, tôi tỉnh giấc, nước tiểu vẫn tiếp tục phun ra, tôi cố dừng nhưng không được. Tiếng bố càu nhàu: - Thằng này hôm nay lại đái dầm. Mẹ lôi chiếc quần ướt sũng khỏi tôi, lấy khăn lau khô phần ướt trên cơ thể và đặt tôi sang một vị trí khô ráo. Lúc ấy, tôi mới thực sự tỉnh giấc.
Những hôm trời nóng, mồ hôi tứa ra khắp lưng, ướt đẫm áo. Mẹ lấy khăn lau và lẩm bẩm: - Hết đái dầm lại mồ hôi trộm, thằng này thần kinh yếu, không biết lớn lên như thế nào. Bố thở dài, không nói gì.
Tôi hay có những giấc mơ. Những giấc mơ không đầu, không cuối, thường gắn với một sự vật, hiện tượng đã từng xảy ra. Hầu như chúng đều có cái kết lằng nhằng, khó hiểu. Khi tỉnh dậy, thấy đầu luôn nặng trĩu. Đôi khi, có những giấc mơ lạ, những chuyện trong mơ như một điềm báo, một thời gian sau xảy ra gần như thế trong cuộc sống thực. Tôi không hiểu lắm về điều này vì tôi vốn là người không duy tâm!
Gần đây, tôi lại mơ.
…Tôi mơ thấy rắn.
Tôi ghét rắn, một loài vật tượng trưng cho sự độc ác và xảo quyệt. Cái lưỡi luôn thè ra thụt vào, đôi mắt ti hí, kiểu di chuyển ngang của cơ thể dài và trơn trợt luôn tạo ra một cảm giác sợ hãi, bất an.
Người ta thường ví những kẻ nham hiểm, sử dụng những thủ đoạn bẩn thỉu để đạt được thành công là những con rắn độc. Tôi mơ thấy một con rắn độc bò vào nhà.
Con rắn với hình hài không rõ nét, không giống những con rắn tôi thường thấy. Đầu không bành như hổ mang, mình không khoang vàng đen trắng như cạp nong, cạp nia. Con rắn mầu xám chì, đầu tròn nhỏ, lưỡi đen sì chẻ đôi, đôi mắt dẹt ti hí đảo rất nhanh. Một con rắn rất độc và đầy vẻ nham hiểm.
Tôi nhìn nó chằm chằm, nó dựng thẳng đầu nhìn lại. Toàn thân bất động, chỉ có con mắt đảo liên tục. Tôi ú ớ, cứng đờ, không có bất kỳ một phản xạ nào. Đôi mắt ti hí lộ lên sự trấn áp, đắc thắng. Đột nhiên, nó hạ đầu xuống và trườn nhanh vào nhà, ẩn mình trong các khe hở của đồ đạc. Nó đã thắng!
Tôi bật dậy, lao ra khỏi nhà, chân tay run rẩy. Tôi gọi hàng xóm. Ba người với ba cây gậy trong tay giúp tôi, lục tung hết đồ đạc, họ không tìm thấy gì.
Tôi ngồi thu lu trên giường, phập phồng lo sợ. Xoay theo đủ hướng, tôi cảm giác nó luôn ở phía sau tôi, sẵn sàng đớp vào gáy tôi.
Nó không ở phía sau, nó vờn trước mặt tôi. Tôi sợ. Tôi hét lên. Cây gậy trên tay tôi đập loạn xạ. Lúc ẩn lúc hiện, khi trên nóc tủ, khi trong giá sách, con rắn! Cái lưỡi đen sì chẻ đôi cứ thè ra thụt vào, đôi mắt ti hí đảo đi đảo lại cười nhạo.
Đột nhiên, nó dựng thẳng thân mình lên, nhằm mặt tôi bổ tới. Tôi rơi gậy, hai tay bưng lấy mặt, rú lên.
Tôi tỉnh giấc.
Mồ hôi tứa ra dầm dề. Tôi ngồi thu lu trong bóng tối, cố nhớ lại giấc mơ với cái đầu trĩu nặng và tâm trạng rất mệt mỏi. Tôi vớ bao thuốc, đốm lửa đỏ rực lên trong bóng tối không làm giảm đi cái lạnh trong tôi. Một cảm giác sợ hãi.
Tôi sợ!
Một buổi sáng trong lành, có gió mơn man và tia nắng thu ấp áp. Mọi người hối hả cho một ngày mới. Trong cái bộn bề đó, tôi nhìn thấy những đôi mắt ti hí đảo đi đảo lại, những nụ cười hả hê của sự chiến thắng trên khuôn mặt của những con người.
Đêm qua, giấc mơ rắn lại ập về.

© 2011 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.

Wednesday, July 21, 2010

BẮT ĐỀN THÁNG BẢY


Chia tay nhé cơn mưa tháng sáu
Tháng bảy về trong làn gió ngày xanh
Nắng vàng gắt níu chân ai vội bước
Trắng mây chiều, lãng đãng cánh diều nghiêng

Bình yên lắm giấc mơ về tháng bảy
Nơi bắt đầu những hò hẹn đam mê
Cà phê đắng quyện tình ai góc phố
Ướt môi mềm, men rượu ủ hồn say

Wednesday, July 14, 2010

23.000 giảng viên thành tiến sĩ - một "giấc mơ"?


Tuần Việt Nam: Nhìn số lượng các GS, PGS, TS hiện nay của VN và tỷ lệ này trong các trường ĐH, CĐ cũng như tư tưởng "sính danh, sính bằng cấp" hiện nay, dự án này có phải quá ư là "lãng mạn" và không biết hồi kết có được như mong muốn?

Ngành GD vừa được Chính phủ phê duyệt đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ 2010 - 2020. Theo mục tiêu đề án, sẽ có khoảng 10.000 TS được đào tạo ở nước ngoài tại các trường ĐH có uy tín, khoảng 3.000 TS được đào tạo theo hình thức phối hợp hoặc liên kết giữa các trường ĐH của Việt Nam và trường ĐH nước ngoài, và khoảng 10.000 TS được đào tạo trong nước.
Kinh phí dự kiến là 14.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 737 triệu USD tại thời điểm CP phê duyệt đề án.

Có ảo tưởng không?
Mục tiêu và nội dung của đề án cho thấy sự quyết tâm cao của CP trong nỗ lực kìm hãm cỗ xe GD ĐH đang "tuột dốc". Tuy nhiên, thực tế hoạt động tại các trường ĐH, CĐ trong cả nước cũng như cơ chế tuyển chọn và sản phẩm của quá trình đào tạo khiến người viết bài này thực sự băn khoăn. Không biết chúng ta có quá tự tin vào chiến lược phát triển GDĐH hay đó lại là một sự ảo tưởng?
Trung bình mỗi năm, đề án sẽ thực hiện đào tạo khoảng 2.300 TS. Không hiểu con số này được đề xuất dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn nào, nhưng có thể thấy, nó quá xa vời nếu so với điều kiện thực tế. Theo GS Nguyễn Xuân Hãn, từ năm 1945 đến nay VN có khoảng 15.000 TS, trong đó khoảng 5.000 TS được đào tạo từ nước ngoài về và khoảng 10.000 TS trong nước[1]. Như vậy, 65 năm qua, trung bình mỗi năm chúng ta đào tạo được 230 TS.

Friday, June 11, 2010

Đường sắt cao tốc và những ý kiến đồng thuận

Mấy hôm nay, nghị trường nóng lên với hai vấn đề là giáo dục đại học và dự án đường sắt cao tốc. Tất nhiên một vấn đề đặt ra thì có người đồng thuận, có người phản đối, âu cũng là cái lẽ đương nhiên của sự phát triển vậy. Tuy nhiên, khi nghe những thảo luận cho dự án này, thấy giật mình vì một số ý kiến đồng thuận của các quan chức phía chủ đầu tư và một số đại biểu Quốc hội.

Chưa đầy đủ và rõ ràng
Đối với vấn đề đường sắt cao tốc, mọi sự mổ xẻ đã rõ ràng. Một dự án rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhất thiết phải thực hiện. Tuy nhiên, việc đề nghị Quốc hội thông qua dự án tại thời điểm này có nhiều điểm chưa thực sự hợp lý.
Một dự án có kinh phí thực hiện rất lớn, khoảng 56 tỷ USD, chiếm gần 2/3 GDP của quốc gia (năm 2009) với mục tiêu phát triển giao thông đường sắt cho tương lai. Trong khi đất nước còn bao nhiêu lĩnh vực quan trọng khác cần được ưu tiên đầu tư và nợ nước ngoài đã quá cao. Theo báo cáo của WB, nợ công của Việt Nam đã lên đến 47,5% GDP[1], trong khi thời gian tới chúng ta phải đầu tư một loạt các dự án lớn như nhà máy điện hạt nhân, qui hoạch Hà Nội, tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác.

Tuesday, May 18, 2010

Đại học Việt Nam: "Chân không tới đất..."


Tuần Việt Nam: Chỉ có các trường ĐH ở Việt Nam phát triển, còn các trường ĐH khác không phát triển hay thụt lùi? Cách tư duy duy ý chí đó không thể tồn tại trong một xã hội có thông tin đa chiều. Việc phát triển một trường ĐH yêu cầu rất khắt khe cả về sự đầu tư tài chính, nhân lực...

Lâu nay, nhiều ý kiến phát biểu về giáo dục của các vị lãnh đạo từ trung ương đến địa phương đều nhắc lại câu nói của bậc tiền nhân: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia". Tuy nhiên, việc làm sao để có được những hiền tài, những nhân tài theo đúng nghĩa của nó thì vẫn còn là một vấn đề làm đau đầu các nhà lãnh đạo, quản lý giáo dục và cả xã hội.

3 đến 5 điểm cũng đỗ đại học
Sự xuống cấp nghiêm trọng nền giáo dục nước nhà trong thời gian qua đã được bàn nhiều, thông qua những ý kiến thẳng thắn, những tham luận đầy trí tuệ của các nhà khoa học, nhà giáo dục nổi tiếng trong nước như GS Hoàng Tụy, GS Hồ Ngọc Đại...hay của những nhà khoa học Việt kiều tâm huyết ở nước ngoài.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, khi mới lên làm Bộ trưởng GD và ĐT, đã có những động thái, những phát biểu mạnh mẽ về công cuộc cải tổ ngành giáo dục, trong đó có giáo dục đại học. Đáng tiếc, đến bây giờ, khi ông đã rời nhiệm sở, theo sự phân công của cấp trên thì cái rõ nhất là ngoài việc có gần một trăm trường ĐH, cao đẳng mới được thành lập, hoặc nâng cấp (chủ yếu là ĐH dân lập, hoặc các trường cao đẳng, trung cấp nghề nâng cấp), vẫn chưa thấy một sự thay đổi nào đáng kể về cơ chế quản lý và chất lượng đào tạo.
Chất lượng đào tạo ĐH xuống cấp, chất lượng giảng viên cũng như sinh viên (từ đầu vào) suy giảm, thể hiện ở việc tuyển dụng tràn lan giảng viên và tuyển sinh ồ ạt sinh viên, quá chỉ tiêu quy định. Có những giáo viên dạy nghề sau khi trường nghề nâng cấp trở thành trường ĐH, thì nghiễm nhiên thành giảng viên ĐH (!).
Có những thí sinh thi 3 môn được 5 điểm cũng nghiễm nhiên trở thành sinh viên ĐH[2]. Rồi các hệ đào tạo tại chức (bây giờ đổi thành tên mới là "hệ vừa học vừa làm"), chuyên tu, văn bằng 2...ngành không kiểm soát nổi chất lượng cả đầu vào lẫn đầu ra. Câu nói của người xưa: "Thầy nào trò đấy" có lẽ phản ánh đúng thực trạng của nền giáo dục ĐH nước nhà chăng.
Hệ quả của giáo dục ĐH như thế, tất yếu sẽ phát sinh ra những sản phẩm không mong muốn. Nhiều giảng viên ĐH ở trạng thái làm thầy không được mà làm thợ cũng không xong, làm sao có thể tạo ra những lợi ích cho xã hội?